Phở bò, phở gà, bún măng là các món ăn dân dã đặc trưng của người Việt. Trong đó bún măng vịt là món bún nước được nhiều người yêu thích. Nét tinh túy trong bún măng vịt được thể hiện từ hương vị của nước dùng, cách chọn vịt, măng chua (hoặc măng khô) đến các bí quyết trong khâu chế biến.
Bún măng vit thường được thưởng thức vào những ngày hè với tác dụng thanh nhiệt nhờ tính hàn trong thịt vịt. Tuy nhiên trong những ngày trời se lạnh, bạn và gia đình cũng có thể quay quần bên nhau thưởng thức bát bún măng thơm lừng, trải nghiệm cái cảm giác giòn tan, chua ngọt của măng hòa quyện vào vị ngọt thanh, cay nòng của thịt vịt chấm với nước mắm gừng.
Dưới đây là bài viết hướng dẫn bạn cách nấu bún măng vịt chi tiết nhất. Có thể sẽ mất 10 -15 phút để bạn có thể đọc hết. Nhưng tuyệt đối đừng bỏ qua bước nào nếu muốn có món tô bún măng vịt hấp dẫn nhé!
Nguyên liệu cần có
Các nguyên liệu cần chuẩn bị
1 con vịt (1 – 1,2kg)
500g tiết vịt
1 trái chanh tươi
3 trái ớt sừng
500g măng tươi
1kg bún tươi
1 bó nhỏ hành lá; 2 bó nhỏ rau mùi; 1 nhánh gừng tươi
4 củ hành khô, 2 củ tỏi
Rượu trắng
Rau sống ăn kèm bún: cọng rau muống tỉa sợi, bắp chuối thái lát, rau thơm, giá đỗ, rau quế…
Gia vị: bột ngọt, muối, hạt nêm, hạt tiêu, dầu ăn…
Cách chọn nguyên liệu ngon
Cách chọn vịt.
Để có được vịt ngon nhất, bạn nên mua vịt sống về tự làm, nếu mua vịt đông lạnh thịt sẽ không ngon bằng. Hơn nữa, mua vịt sống bạn có thể tận dụng phần tiết vịt mà không phải mua thêm bên ngoài.
Bạn cần chọn vịt theo kiểu chăn thả tự nhiên sẽ có độ dai ngọt hấp dẫn. Vịt nuôi ngoài đồng thường nhỏ hơn vịt nuôi công nghiệp, nặng chỉ từ 1 – 2kg. Bạn chọn vịt có kích thước khoảng 1,2 – 1,5 kg là tốt nhất.
Nên chọn vịt trưởng thành, lông đã mọc đầy đủ, như vậy sẽ rất dễ vặt lông và tiết kiệm thời gian sơ chế. Bạn có thể mua vịt sống rồi nhờ người bán làm hộ luôn cũng được.
Cách chọn măng ngon
- Nếu dùng măng tươi
Những củ măng còn non tươi, củ có hình thô, to nhỏ đều nhau, măng thẳng, giòn là ngon nhất. Bên ngoài măng không xuất hiện các lá vàng, nát, không có đốm hay bị héo, nhìn bề ngoài thấy măng có vỏ mỏng, chất giòn, nhiều nước, vị tươi ngon và có mùi thơm đặc trưng. Nếu măng có màu trắng hay màu vàng bất thường thì không nên mua vì có thể đã bị xử lý hóa chất.
- Nếu nấu với măng khô
Nên chọn măng khô ở những điểm bán uy tín, măng phải có màu nâu vàng hoặc vàng đậm tự nhiên, măng có kích thước nhỏ để chế biến nhanh hơn. Nếu thấy măng có màu vàng giả, không tự nhiên và có mùi lạ thì có thể măng có chứa lưu huỳnh, không nên mua.
Cách sơ chế nguyên liệu
Sơ chế thịt vịt
Thịt vịt sau khi đã làm và rửa sạch sẽ, bạn pha một ít rượu, muối và nước cốt 1 trái chanh rồi rửa lại vịt lần nữa. Gừng tươi đập dập, chà xát lên toàn bộ thân vịt trong vài phút rồi rửa sạch lại với nước, để ráo.
Bạn nấu một nồi nước sôi nhỏ, cho tiết vịt vào luộc chín rồi vớt ra để nguội. Sau đó thái miếng vuông vừa ăn.
Sơ chế rau củ và gia vị
Gừng tươi cạo vỏ, rửa sạch, lấy 1/3 đập dập, 1/3 thái chỉ, 1/3 để nguyên. Chanh tươi bổ đôi, vắt lấy nước cốt.
Măng tươi rửa sạch, thái thành những sợi dài khoảng 5 – 7cm. Bắc một nồi nước lên bếp nấu sôi với chút muối, cho măng vào luộc khoảng 30 phút để măng ngon hơn và không bị đắng. Sau đó vớt ra, xả lại với nước lạnh nhiều lần rồi để ráo.
Đập dập 1 củ tỏi, băm nhỏ; 1 củ bóc vỏ, để nguyên.
Hành khô 2 củ bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ; 2 củ còn lại bóc sạch vỏ rồi cắt đôi.
Các loại rau sống ăn kèm nhặt gốc, rửa sạch với nước muối loãng, để ráo.
Hành lá nhặt gốc, rửa sạch, phần đầu trắng cắt khúc dài 5cm, phần lá thái nhỏ.
Rau mùi nhặt gốc, rửa sạch, thái nhỏ.
Hướng dẫn cách nấu bún măng vịt
1. Luộc vịt – nấu nước dùng
Bạn bắc một nồi nước lớn lên bếp, cho thêm 1 muỗng muối trắng, gừng thái chỉ, hành tím bổ đôi và nửa phần đầu hành trắng.
Cho vịt vào nồi rồi bật bếp nấu, khi nước luộc sôi bạn hạ lửa nhỏ cho vịt chín từ từ, đồng thời mở vung.
Lưu ý, bạn phải vớt hết bọt, váng mỡ vịt trong quá trình luộc thì nước dùng mới trong và thanh vị.
Sau khi luộc vịt trong khoảng 20 – 30 phút bạn dùng đầu đũa xiên vào đùi vịt. Nếu nước chảy ra không có màu đỏ thì vịt đã chín.
Vớt ra ngâm vào thau nước đá lạnh khoảng 5 phút để vịt sẽ không bị khô và thâm đen, da vịt có màu sáng và ngon ngọt hơn.
Chặt vịt thành những miếng nhỏ, dài vừa ăn, xếp ra đĩa.
Lưu ý, sau khi vớt vịt ra vẫn giữ lửa liu riu để giữ nóng nước dùng.
2. Nấu măng
Phi hành, tỏi băm trong chảo lớn, thêm một muỗng ớt bột rồi đổ măng vào xào.
Thêm hạt nêm, bột ngọt, nước mắm, đường cho vừa với khẩu vị của bạn và gia đình.
Trút hết phần măng vừa xào vào nồi nước dùng, đảo nhẹ, cho thêm tiết vịt đã cắt miếng và ½ phần đầu hành còn lại nấu cùng. Khi sôi, nêm nếm lại một lần nữa là xong.
3. Làm nước mắm gừng chấm thịt vịt.
Giã nhuyễn phần gừng còn lại với 1 trái ớt đã bỏ hạt, 1 củ tỏi bóc sạch vỏ và 1 muỗng đường sau đó đổ ra chén.
Thêm 4 muỗng nước mắm ngon vào chén cùng 1 muỗng nước cốt chanh, khuấy đều là được.
Lưu ý, lượng gia vị pha nước mắm bạn có thể thay đổi cho phù hợp với khẩu vị.
Bước 4. Trình bày – thưởng thức
Cho bún ra tô, xếp thịt vịt lên trên, múc nước dùng chan lên
Rắc thêm chút hành lá, rau mùi thái nhỏ và hạt tiêu rồi thưởng thức.
Xếp các loại rau sống ra đĩa, bày vịt luộc và chén nước mắm gừng ăn kèm
Vậy là bạn đã hoàn thành xong món bún măng vịt hấp dẫn cho cả nhà rồi đấy. Hãy share ngay cách nấu bún măng vịt ngon để bạn bè cùng thực hiện nhé! Chúc các bạn thành công với cách nấu ở trên.